Cổ phiếu tăng trưởng là gì?

Đăng ngày: 10/11/2023

Hình ảnh bài viết

Khái niệm về cổ phiếu tăng trưởng

Cổ phiếu tăng trưởng hay "Growth stock" là cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng về tăng trưởng và phát triển, mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư trong tương lai. Đây là loại cổ phiếu vượt trội hơn so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường, điều này có nghĩa rằng công ty đó đang phát triển nhanh hơn so với mức chung của thị trường.

Tuy nhiên, thường thì khi có doanh thu, các công ty tập trung vào việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và tái đầu tư thay vì trả cổ tức cho nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần phải bán cổ phiếu để có lợi nhuận. Do đó, phương pháp đầu tư này có mức độ rủi ro cao. Nếu xảy ra tình huống không may mắn và công ty mà bạn đầu tư không phát triển theo kỳ vọng, cổ phiếu mà bạn nắm giữ có thể giảm giá và khi bán ra có thể gây lỗ.



Các đặc điểm của cổ phiếu tăng trưởng

Hình ảnh bài viết

Đối với những nhà đầu tư mới mở tài khoản chứng khoán thì việc khảo sát thị trường, khảo sát ngành, lĩnh vực, công ty là một bước đầu quan trọng trước khi đặt đồng tiền hy vọng vào một cổ phiếu nào đó. Việc xem xét độ vượt trội và đặc biệt của công ty so với những đối thủ cùng ngành về lợi nhuận và hiệu suất của cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn được cho mình đâu là cổ phiếu tăng trưởng để mình mua. Vậy thì cổ phiếu này có những đặc điểm gì? Sau đây là những đặc điểm cơ bản của cổ phiếu tăng trưởng.

Đội ngũ lãnh đạo công ty giỏi

Để đạt được sự phát triển vượt trội thì công ty cần phải sở hữu một đội ngũ ban lãnh đạo có năng lực, xuất sắc, có đạo đức lãnh đạo và khả năng quản lý tốt để thúc đẩy tăng trưởng về doanh số và lợi nhuận. Một cách để lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng là nghiên cứu về lãnh đạo của công ty đó. Ngày nay, nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận thông tin này thông qua sự hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông hoặc từ các trang web tài chính chuyên về đầu tư.

Thị trường tăng trưởng tốt

Một công ty được xem là có tiềm năng tăng trưởng sẽ hoạt động trong một thị trường đang trong giai đoạn phát triển hoặc sắp phát triển trong ngành. Trong trường hợp ngành này đang dần bão hòa và có dấu hiệu thoái trào thì thị trường này không còn được xem là thị trường đang tăng trưởng nữa. Ngoài ra, cổ phiếu mà bạn chọn cần phải dẫn đầu thị phần trong một thị trường đang tăng trưởng mới nổi. Đồng thời, một công ty tăng trưởng mạnh cần phải duy trì lợi thế cạnh tranh và thường xuyên đưa ra thị trường các sản phẩm mới và đạt được nhiều thành công.

Doanh số bán hàng tăng cao

Các công ty có khả năng duy trì doanh số ổn định trong các quý thì cổ phiếu của công ty đó sẽ có khả năng tăng giá cao. Điều này sẽ mang lại lợi nhuận hiệu quả cho các nhà đầu tư. Để đảm bảo cho việc đầu tư sẽ đem lại kết quả tích cực trong tương lai, nhà đầu tư nên lựa chọn các công ty có mức tăng trưởng ít nhất là trong khoảng từ hai con số trở lên. Bởi vì tốc độ tăng trưởng từ hai con số sẽ mang lại sự bền vững hơn so với các công ty có tăng trưởng vượt bậc lên tới ba con số từ đầu rồi sau đó dần chậm lại.

Lĩnh vực hoạt động

Những công ty có tiềm năng tăng trưởng mạnh thường hoạt động trong các ngành công nghiệp trẻ. Đây là nhóm ngành có nhiều sự đột phá, ứng dụng nhiều kỹ thuật cũng như công nghệ tiên tiến và đạt được lợi nhuận cao ở hiện tại và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

Ngoài ra, cổ phiếu tăng trưởng còn có những đặc điểm mà nhà đầu tư cần phải đặc biệt chú ý để phân tích chuyên sâu và lựa chọn chính xác hơn:

  • Cổ tức: Các doanh nghiệp tăng trưởng thường không chia cổ tức mà sử dụng doanh thu cũng như lợi nhuận để tái đầu tư nhằm nghiên cứu sản phẩm, phát triển doanh nghiệp và mở rộng quy mô doanh nghiệp
  • Tỷ suất lợi nhuận: Cổ phiếu tăng trưởng có mức tỷ suất lợi nhuận cao. Điều này khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài và góp phần đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, đồng thời sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.
  • Tỷ lệ giá trên thu nhập: Tỷ lệ P/E của cổ phiếu càng cao, tiềm năng sinh lợi càng lớn
  • Lợi nhuận trên vốn sở hữu: ROE phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Một công ty có tiềm năng tăng trưởng cũng như phát triển là một công ty có chỉ số ROE cao và tăng dần theo thời gian.
  • Mức vay nợ: Những doanh nghiệp tăng trưởng nên có mức nợ tương đương hoặc thấp hơn đối thủ cùng ngành. Ngoài ra, công ty còn phải có khả năng thanh khoản mạnh và kiểm soát khoản nợ nằm trong mức an toàn.
Hình ảnh bài viết

Ưu điểm và nhược điểm của cổ phiếu tăng trưởng

  • Ưu điểm:
  • Tăng trưởng mạnh: Cổ phiếu tăng trưởng thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường chứng khoán.
  • Lợi nhuận cao: Vì cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng cao, do đó tỷ suất lợi nhuận cũng tăng theo. Điều này giúp cho nhà đầu tư có cơ hội tối ưu lợi nhuận của mình trong tương lai tùy thuộc vào chiến lược và mục tiêu đầu tư của mình
  • Nhược điểm:
  • Không có cổ tức: Vì doanh nghiệp lựa chọn sử dụng doanh thu và lợi nhuận cho việc tái đầu tư công ty. Do đó, cổ phiếu tăng trưởng thường không trả cổ tức cho nhà đầu tư
  • Rủi ro cao: Cổ phiếu tăng trưởng cũng chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Trong trường hợp công ty hoạt động gặp khó khăn hoặc thị trường kinh tế tác động xấu đến lĩnh vực kinh doanh sẽ khiến cho giá cổ phiếu đi xuống
  • Giá cao: Giá của cổ phiếu tăng trưởng khá cao so với thị trường. Doanh nghiệp hoạt động tốt, doanh thu và lợi nhuận thu về cao, tiềm năng phát triển cao là những lí do khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn để nắm giữ cổ phiếu. Vì thế cũng dễ hiểu tại sao giá của cổ phiếu này thường sẽ cao.

Phương pháp lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng chính xác

Mặc dù cổ phiếu tăng trưởng đầy rủi ro cùng với mức giá cao, nhưng cổ phiếu này vẫn là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư vì khả năng sinh lời đầy tiềm năng trong tương lai. Để lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng tốt, nhà đầu tư có thể áp dụng phương pháp CANSLIM để phân tích và xác định mục tiêu đầu tư cho mình.

  • C (Thu nhập hàng quý hiện tại trên mỗi cổ phiếu): Yếu tố đầu tiên nhà đầu tư cần xem xét là chỉ số EPS hay lãi ròng trên mỗi cổ phần trong một thời kỳ nhất định. Cổ phiếu tăng trưởng thường có EPS tăng lên khoảng 25% qua các giai đoạn.
  • A (Tỷ lệ thu nhập hàng năm): Doanh nghiệp cần có lãi liên tục trong ít nhất 3 năm liên tiếp. Điều này cho thấy tình hình hoạt động tốt và có lợi nhuận ổn định của doanh nghiệp.
  • N (Sản phẩm mới, Quản lý mới, Mức cao mới): Những công ty có thể cung cấp sản phẩm mới, mang tính đột phá sẽ phát triển nhanh chóng. Hoặc công ty thay đổi ban lãnh đạo, hay có những chính sách có lợi hơn,...
  • S (Cung và Cầu): Cung cầu của cổ phiếu cho biết xu hướng giao dịch của nhà đầu tư cũng như tính thanh khoản của cổ phiếu. Nhà đầu tư cần theo sát thị trường để chọn được cổ phiếu phù hợp.
  • L (Trưởng nhóm/Người tụt hậu): Loại cổ phiếu này thường thuộc về những doanh nghiệp đang dẫn đầu trong lĩnh vực của họ. Lựa chọn cổ phiếu này sẽ hạn chế được rủi ro bị sụt giá mạnh bất ngờ.
  • I (Tài trợ tổ chức): Lựa chọn cổ phiếu theo các quỹ đầu tư, ngân hàng hay công ty bảo hiểm. Nó thể hiện tiềm năng của doanh nghiệp và sự bảo trợ của những tổ chức lớn.
  • M (Hướng thị trường): Xu hướng thị trường quyết định rất lớn đến giá trị của một cổ phiếu. Dựa vào đó, nhà đầu tư có thể tìm ra thời điểm ra vào lệnh thích hợp để có lãi.
Hình ảnh bài viết

Kết luận

Tóm lại, cổ phiếu tăng trưởng là một loại tài sản đầu tư đặc biệt hấp dẫn với những người muốn tìm kiếm tiềm năng sinh lời cao trong thị trường tài chính. Nhóm cổ phiếu này thường thuộc về các công ty có khả năng phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với mức trung bình. Sự cam kết tái đầu tư vào mở rộng quy mô kinh doanh thay vì trả cổ tức cho cổ đông cho thấy tầm nhìn dài hạn của các doanh nghiệp tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng mang lại mức độ rủi ro cao hơn, và đòi hỏi tích lũy kiên nhẫn từ nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư nên chọn lựa cẩn thận các công ty tiềm năng, tiếp tục theo dõi và đánh giá sự phát triển để tận dụng tiềm năng tăng trưởng và đạt được kết quả đầu tư mong đợi.